Showing posts with label hat-giong-tam-hon. Show all posts
Showing posts with label hat-giong-tam-hon. Show all posts

Mẹ và cuộc hành trình của bạn

Mẹ và cuộc hành trình của bạn
Khi bạn bước chân vào thế giới này, mẹ đã ôm bạn trong tay. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách khóc như một nữ thần báo tử.

Khi bạn 1 tuổi, mẹ đút từng miếng ăn và chăm sóc cho bạn. Bạn cám ơn mẹ bằng cách khóc suốt đêm dài.
Khi bạn 2 tuổi, mẹ tập cho bạn đi. Bạn cám ơn mẹ bằng cách bỏ chạy đi khi mẹ gọi.
Khi bạn 3 tuổi, mẹ làm cho bạn tất cả những bữa ăn với tình yêu. Bạn cám ơn mẹ bằng cách quăng đĩa cơm xuống sàn.
Khi bạn 4 tuổi, mẹ cho bạn một vài cây bút màu. Bạn cám ơn mẹ bằng cách tô chúng lên bàn ăn.
Khi bạn 5 tuổi, mẹ diện cho bạn vào những ngày lễ. Bạn cám ơn mẹ bằng cách ngã ùm vào đống bùn gần nhất.
Khi bạn 6 tuổi, mẹ dắt tay bạn đến trường. Bạn cám ơn mẹ bằng cách la lên:” Con không đi”
Khi bạn 7 tuổi, mẹ mua cho bạn quả bóng. Bạn cám ơn mẹ bằng cách ném nó qua cửa sổ nhà bên cạnh.
Khi bạn 8 tuổi, mẹ cho bạn một cây kem. Bạn cám ơn mẹ bằng cách để nó chảy cả vào lòng bàn tay.
Khi bạn 9 tuổi, mẹ cho bạn đi học piano. Bạn cám ơn mẹ bằng cách chẳng bao giờ ngó ngàng đến việc thực hành.
Khi bạn 10 tuổi, mẹ làm tài xế cho bạn suốt ngày, từ đi chơi bóng đến tập thể dục rồi hết tiệc sinh nhật này đến tiệc sinh nhật khác. bạn cám ơn mẹ bằng cách khi đến nơi nhảy ra khỏi xe và chẳng bao giờ quay lại.
Khi bạn 11 tuổi, mẹ dẫn bạn cùng bạn bè đi xi-nê. Bạn cám ơn mẹ bằng cách xin ngồi ở hàng ghế khác.
Khi bạn 12 tuổi, mẹ răn bạn rằng không được xem những chương trình ti vi nào đó. Bạn cám ơn mẹ bằng cách đợi cho mẹ rời khỏi nhà rồi bật lên xem.
Khi bạn 13 tuổi, mẹ đề nghị bạn cắt tóc. Bạn cám ơn mẹ bằng cách bảo mẹ rằng không biết thế nào là sành điệu.
Khi bạn 14 tuổi, mẹ cho bạn đi trại hè xa nhà một tháng. Bạn cám ơn mẹ bằng cách quên chẳng viết lấy một lá thư.
Khi bạn 15 tuổi, mẹ đi làm về và chờ đợi sự chào đón của bạn. bạn cám ơn mẹ bằng cách khoá cửa phòng ngủ.
Khi bạn 16 tuổi, mẹ dạy bạn lái chiếc xe của mẹ. Bạn cám ơn mẹ bằng cách lấy nó chạy bất cứ lúc nào có thể.
Khi bạn 17 tuổi, mẹ đang đợi một cuộc gọi quan trọng. Bạn cám ơn mẹ bằng cách tán dóc trên điện thoại đến giữa đêm. Khi bạn 18 tuổi, mẹ đã khóc trong ngày tốt nghiệp của bạn. Bạn cám ơn mẹ bằng cách đi chơi với bạn bè đến chiều tối.
Khi bạn 19 tuổi, mẹ trả tiền học phí cho bạn, lái xe đưa bạn đến trường đại học, mang túi sách cho bạn. Bạn cám ơn mẹ bằng cách tạm biệt mẹ bên ngoài dãy phòng tập thể để khỏi lúng túng trước mặt bạn bè.
Khi bạn 20 tuổi, mẹ hỏi bạn gặp gỡ ai chưa. Bạn cám ơn mẹ bằng cách đáp:” Đó không phải là chuyện của mẹ”.
Khi bạn 21 tuổi, mẹ đề nghị bạn những nghề nghiệp nào đó cho tương lai. Bạn cám ơn mẹ bằng cách trả lời :” Con không muốn giống mẹ”.
Khi bạn 22 tuổi, mẹ ôm bạn tại ngày lễ tốt nghiệp. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách hỏi xem mẹ có thể tặng bạn một chuyến du lịch Châu Âu không?
Khi bạn 23 tuổi, mẹ sắm sửa tất cả đồ đạc cho căn hộ đầu tiên của bạn. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách nói rằng những người bạn của mẹ thật xấu xí.
Khi bạn 24 tuổi, mẹ gặp vị hôn phu của bạn và hỏi về những kế hoạch tương lai của bạn. Bạn cám ơn mẹ bằng cách giận giữ và càu nhàu:” Con xin mẹ đấy”.
Khi bạn 25 tuổi, mẹ lo lễ cưới cho bạn, mẹ khóc và bảo mẹ yêu bạn biết bao. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách dọn đến sống ở một nơi xa tít.
Khi bạn 30 tuổi, mẹ gọi bạn và khuyên bảo về việc chăm sóc trẻ con. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách bảo rằng:” Mọi việc giờ đã khác xưa rồi”.
Khi bạn 40 tuổi, mẹ gọi điện để nhắc bạn nhớ một sinh nhật của người thân. Bạn cảm ơn mẹ bằng câu trả lời:” Con thật sự bận mẹ ạ”.
Khi bạn 50 tuổi, mẹ ngã bệnh và cần bạn chăm sóc. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách tìm đọc sách về đề tài :” Cha mẹ trở thành gánh nặng cho con cái như thế nào?”.
Và rồi, một ngày kia, mẹ lặng lẽ ra đi. Tất cả những điều bạn chưa bao giờ làm sụp đổ tan tành.” Hãy ru con ngủ, ru con qua suốt đêm dài. Bàn tay đưa nôi… có thể cai trị cả thế giới.”
Ta hãy dành một giây phút nào đó để báo hiếu và tỏ lòng kính trọng đối với người ta gọi là Mẹ, dù rằng một số người có thể sẽ không nói điều đó thẳng thắn với mẹ mình. Chẳng có điều gì có thể thay thế mẹ được. Hay trân trọng từng giây phút, dầu rằng đôi khi mẹ không phải là người hiểu ta nhất trong những người bạn của ta, có thể không đồng ý với những suy nghĩ của chúng ta, nhưng người ấy vẫn là mẹ bạn!!!
Mẹ sẽ luôn ở bên bạn, lắng nghe những phiền muộn, niềm vui cũng như nỗi thất vọng của bạn. Hãy tự hỏi chính mình:” Mình có dành đủ thời gian cho mẹ để lắng nghe những phiền muộn và buồn chán của người nội trợ suốt ngày ở trong bếp không???”.
Yêu thương và kính trọng mẹ, dù rằng bạn có thể có cách nhìn khác với mẹ. Khi mẹ ra đi, những kỉ niệm yêu mến của qua khứ và cả nuối tiếc sẽ ở lại.
Đừng xem những điều gần gũi nhất với trái tim bạn là hiển nhiên. Yêu mẹ hơn bản thân mình, vì cuộc đời bạn sẽ vô nghĩa nếu không có Người

Vết sẹo

Vết sẹo
Tôi là cô gái xấu và luôn mặc cảm về thiệt thòi này. Nhưng anh đã cho tôi hiểu đẹp và hoàn hảo là hai điều hoàn toàn khác nhau.

Bàn tay anh sờ nhẹ vào vết sẹo trên má tôi, vừa ôn tồn hỏi: “Cô là người mẫu phải không?”. Người mẫu ư? Tôi nhìn thẳng vào vị bác sĩ đối diện, cố tìm ra nét giễu cợt, nhạo báng mình trên gương mặt điển trai đầy nam tính của ông. Không ai có thể nhầm lẫn tôi với một người mẫu. Tôi là một cô gái xấu xí và thô kệch với vết sẹo bên má. Ngay cả mẹ cũng cho rằng chị tôi mới là đứa con gái xinh của bà.

Tai nạn xảy ra năm tôi học lớp bốn. Một khối bê tông trong khi được cẩu lên để xây nhà hàng xóm đã va mạnh vào mặt tôi và để lại vết sẹo khá dài trên má. Khi ấy, ba bảo tôi trong tiếng thở dài: ”Con luôn là đứa con xinh xắn của ba cho dù người khác không nghĩ thế”!

Vâng, tai tôi đã như điếc trước bao lời nhạo báng của lũ bạn cùng lớp. Mắt tôi giả vờ không nhận ra mình khác các bạn như thế nào. Tôi buộc mình không được soi gương. Trong một nền văn hoá mà cái đẹp ngự trị thì ai mà thèm để ý đến đứa con gái xấu xí như tôi. Vết sẹo bên má dìm tôi vào nỗi đau khôn cùng. Tôi nhốt mình trong phòng mặc cho nước mắt tủi hờn lăn dài mỗi khi cả nhà ngồi xem chương trình về sắc đẹp. Dần dà, tôi tập làm quen với sự thật.

Nếu mình không có diễm phúc làm một người con gái xinh xắn, thì ít ra tôi cũng có thể ăn mặc chỉnh tề. Mái tóc được uốn xoăn hiện đại, cặp kính sát tròng thay cho hai gọng kính cận dày cộm. Tôi chịu khó trang điểm bằng cách quan sát những người phụ nữ xung quanh, vận trang phục phù hợp. Giờ đây, tôi sắp kết hôn. Vết sẹo ấy, một lần nữa lại hiện ra như một thách thức trước cuộc sống mới.

“Dĩ nhiên, thưa ông. Tôi không phải là một người mẫu”, tôi trả lời với giọng phẫn nộ.

Vị bác sĩ thẩm mỹ hai tay khoanh trước ngực, nhìn tôi trìu mến. “Thế thì tại sao cô lại lo lắng về vết sẹo đến thế? Nếu không có lý do nghề nghiệp buộc cô phải tẩy sẹo thì điều gì khiến cô đến đây?”.

Bất giác, vị bác sĩ như đại diện cho tất cả những người đàn ông tôi từng gặp, những người đã từng chế nhạo, giễu cợt và ruồng bỏ tôi, phản bội tôi. Theo thói quen, tôi lại sờ tay lên má. Vết sẹo vẫn hằn trên mặt. Nó như nhắc tôi rằng ngươi là một cô gái xấu. Tự dưng mắt tôi đỏ hoe, cay xè. Người bác sĩ kéo ghế đến bên tôi, ôn tồn bảo:

“Để tôi nói cho biết tôi nhìn thấy gì ở người đối diện. Một cô gái xinh xắn. Không phải một cô gái hoàn hảo mà là một cô gái xinh xắn. Cô biết Laura Hutton chứ? Bà ấy có một khe hở trên hàm răng cửa, Elizabeth Taylor có một vết sẹo nhỏ trên trán”.

Đoạn, ông dừng lại và đưa cho tôi cái gương, tiếp lời: ”Tôi từng tự hỏi tại sao những người phụ nữ nổi tiếng lại có khiếm khuyết và tôi cũng tự tìm ra câu trả lời cho mình. Chính sự không hoàn hảo đó, cái có thể xem như là điểm thua kém của họ lại khiến họ nổi bật hơn mà không hề lẫn lộn với người khác. Và cũng khiến ta nhớ đến cô ấy như một con người bằng xương bằng thịt vì "nhân bất thập toàn mà”! Đừng để ý đến những kẻ xuẩn ngốc chê cười gương mặt cô. Cô dễ thương, xinh xắn vì cô là chính cô. Vẻ đẹp thật sự toả sáng từ bên trong con người cô. Hãy tin lời tôi!“.

Tôi nhìn vào gương. Những lời nói của vị bác sĩ vang mãi bên tai.

Nhiều năm sau đó, tôi trở thành một phụ nữ nổi tiếng rất được mến mộ về diễn thuyết và hùng biện trước hàng trăm người. Tôi biết mình là ai. Khi tôi thay đổi cách nhìn nhận tích cực với chính mình, những người khác cũng buộc phải thay đổi cách nhìn nhận tôi.

Vị bác sĩ không xóa vết sẹo trên mặt tôi. Ông đã xoá đi vết sẹo mặc cảm tư ti trong tâm hồn một cô gái.

Một phép lạ tốn bao nhiêu tiền?

Một phép lạ tốn bao nhiêu tiền?
Tess là một đứa bé tám tuổi khôn ngoan khi nó nghe bố mẹ nó nói về em trai của nó là Andrew. Nó chỉ biết là em nó bị bệnh rất nặng và gia đình nó đã hết sạch tiền. Họ sẽ phải rời vào một chung cư người nghèo tháng tới vì bố nó không có đủ tiền để trả bác sĩ và tiền nhà. Chỉ có một cuộc giải phẫu thật tốn kém mới cứu sống được em nó, và dường như không có ai chịụ cho bố mẹ nó vay tiền. Nó nghe bố nó thầm thì bằng một giọng nói tuyệt vọng với mẹ nó đang khóc nức nở: “Chỉ có một phép lạ mới có thể cứu sống được nó bây giờ.”

Tess vào phòng nó và lấy ra một cái lọ thủy tinh trước đây đựng mứt nó đã dấu kỹ trong tủ áo. Nó đổ hết tiền xu ra sàn và đếm thật cẩn thận. Nó còn đếm tất cả ba lần. Số tiền nó có phải thật chính xác, không thể có sự sai nhầm. Nó cẩn thận bỏ các đồng xu vào cái lọ và đậy nắp lại. Nó lén ra cửa sau và đi bộ tám dãy phố để đến Tiệm Thuốc Tây Rexall có bảng hiệu Người Da Đỏ bên trên cửa.

Nó kiên nhẫn chờ đợi để được người dược sĩ chú ý. Nhưng ông ta đang bận nói chuyện với một người đàn ông khác và không muốn bị một đứa trẻ tám tuổi quấy rầy. Tess chà chân xuống sàn để gây tiếng động. Không có kết quả gì. Nó gân cổ họng để phát ra một tiếng khạc nhổ thật to và ghê tởm nhất. Vẫn không có gì xẩy ra. Cuối cùng nó lấy một đồng 25 xu trong lọ thủy tinh và gõ mạnh trên quầy hàng. Lần này mới có phản ứng!

“Mày muốn cái gì?” ông dược sĩ hỏi nó bằng một giọng khó chịu. “Tao đang nói chuyện với người em trai của tao từ Chicago xuống, tao đã không được gặp từ rất nhiều năm qua,” ông ta nói mà không chờ đợi câu trả lời.

“Còn tôi, tôi muốn nói với ông về em trai của tôi,” Tess trả lời bằng giọng nói không kém vẻ khó chịu. “Nó đang bệnh nặng.... và tôi muốn mua một phép lạ”

“Mày nói cái chi?” người dược sĩ hỏi.

“Tên nó là Andrew, nó có một cái gì ghê gớm lắm đang mọc lên trong đầu nó và bố tôi nói chỉ có một phép lạ mới có thể cứu được nó bây giờ. Ông cho biết một phép lạ giá bao nhiêu?”

“Em bé ơi, ở đây ta không có bán phép lạ. Ta rất tiếc không giúp được em.” Ông dược sĩ nói với giọng đã dịu hơn một chút.

“Này ông, tôi có tiền để mua. Nếu không đủ, tôi sẽ kiếm thêm. Xin cứ cho tôi biết giá tiền là bao nhiêu.”

Người em ông dược sĩ là một người ăn mặc sang trọng. Ông ta cúi xuống và hỏi đứa bé: “Em trai của con cần phép lạ gì?”

"Con không biết,” Tess trả lời trong nuớc mắt. “Con chỉ biết nó bệnh nặng và cần được giải phẫu. Nhưng bố con không có tiền trả nên con muốn dùng tiền của con.” “Thế thì con có bao nhiêu tiền?” Người đàn ông đến từ Chicago hỏi.

“Một dollar và mười một xu,” Tess trả lời yếu ớt. “Và đây là tất cả số tiền con có, nhưng con sẽ kiếm thêm nếu cần.”

“Ồ, thật là trùng hợp,” người đàn ông mỉm cười. “Một dollar và mười một xu - đúng là giá tiền của một phép lạ cho em của con.” Ông ta cầm lấy số tiền trong tay, còn tay kia thì nắm tay đứa bé và nói: “Con hãy dẫn ta đến nơi con ở. Ta muốn gặp em con và bố mẹ của con. Chúng ta thử xem con cần có cái phép lạ nào.”

Người đàn ông ăn mặc sang trọng đó chính là bác sĩ Carlton Armstrong, một bác sĩ giải phẫu chuyên khoa về bộ não. Cuộc giải phẫu được hoàn tất thành công và không mất tiền. Chẳng bao lâu sau Andrew được ra khỏi nhà thương và khoẻ mạnh. Bố mẹ nó vui sướng kể lại diễn tiến của câu chuyện đã đưa đến kết quả kỳ diệu này. Mẹ Tess nói thì thầm: “Cuộc giải phẫu đó thật là một phép lạ. Tôi không biết thực sự nó tốn kém bao nhiêu?”

Tess mỉm cười. Nó biết chính xác giá tiền của một phép lạ... một dollar và mười một xu... cộng thêm đức tin của một đứa bé

Hai mảnh giấy yêu thương

Hai mảnh giấy yêu thương
Một buổi sáng thứ sáu, chàng trai nọ sau thời gian thử việc khó khăn ở một công ty, đã theo lịch hẹn đến gặp ông chủ để xem mình có được chấp nhận không. Trước khi đi, anh tâm sự với vợ về chuyện này. Anh cũng nói thêm là anh không chắc mọi việc sẽ suôn sẻ. Trông anh có vẻ lo lắng và hồi hộp.
Sau khi gặp anh, ông chủ đã đồng ý nhận anh vào làm việc trong sự vui mừng không hề che giấu của anh. Anh trở về nhà với tâm trạng phấn chấn, yêu đời.

Bức tranh bị bôi bẩn

Bức tranh bị bôi bẩn
Có một anh chàng họa sĩ từ lâu ôm ấp ước mơ để lại cho hậu thế một tuyệt tác. 

Và rồi một ngày kia chàng bắt tay vào việc. Ðể tránh sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường nhật, chàng dựng một khung vẽ rộng 30 mét vuông trên sân thượng một tòa nhà cao tầng lộng gió. Người họa sĩ làm việc miệt mài suốt nửa năm. Chàng say mê bức họa tới mức quên ăn quên ngủ. Khi bức tranh hoàn thành, nó sẽ đưa tên tuổi của chàng sống mãi với thời gian.

Bức tranh

Bức tranh
Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi.

Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa học. Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.